Now Reading
Theerathon Bunmathan – Mối nguy hiểm cho ĐT Việt Nam

Theerathon Bunmathan – Mối nguy hiểm cho ĐT Việt Nam

Theo dõi bongdavn.net trênGoogle news

(Bóng đá VN)- Trong thành tích toàn thắng ở vòng bảng của ĐT Thái Lan, dấu ấn chiến thuật của HLV Mano Polking đã được thể hiện một cách rõ nét, đặc biệt qua cách sử dụng hậu vệ trái Theerathon Bunmathan.

Không cần bàn cãi về đẳng cấp của cầu thủ sinh năm 1990, người đã có 3 năm chơi bóng tại Nhật Bản và thậm chí từng lên ngôi vô địch J.League 1 cùng CLB Yokohama Marinos. Sự có mặt của Theerathon trong đội hình của Thái Lan ở hai trận thắng trước Myanmar và Philippines tạo nên cho đội bóng của ông Polking những phương án chiến thuật đa dạng và biến hoá. Dù chơi ở vị trí của một hậu vệ trái, nhưng vai trò chiến thuật của cầu thủ này là tương đối đặc biệt trong sơ đồ 4-4-2 kim cương của Thái Lan.

Chân kiến thiết của người Thái

Chỉ thi đấu hai trận, Theerathon hiện đang là người tạo ra số cơ hội nhiều thứ 4 và có số pha tạt bóng nhiều thứ 5 sau vòng bảng. Dựa trên nền tảng kĩ thuật cá nhân xuất sắc và một tư duy chơi bóng đã được rèn giũa trong thời gian dài, cầu thủ này trở thành tâm điểm trong lối đá áp đặt trận đấu của ông Polking. Thậm chí, Theerathon chính là người thực hiện số đường chuyền nhiều nhất sau vòng bảng trong số các cầu thủ Thái Lan.

Chơi ở vị trí hậu vệ trái, nhưng cầu thủ sinh năm 1990 có một vai trò thi đấu đặc biệt. Theerathon thường xuyên có mặt ở khu vực trung lộ khi ĐT Thái Lan triển khai bóng ở phạm vi 1/3 giữa sân, gia tăng quân số và tham gia trực tiếp vào khâu triển khai bóng. Khác hoàn toàn với người đồng đội Narubadin chơi ở cánh phải, khu vực hoạt động của Theerathon là hoàn toàn khác biệt. Không chỉ là một hậu vệ trái thông thường, số 3 thi đấu như một cầu thủ điều tiết bóng, bằng những đường chuyền ấn tượng từ tầm thấp của mình.

Theerathon Bunmathan có xu hướng hoạt động bó vào trung lộ Thái Lan triển khai bóng ở 1/3 giữa sân.
Theerathon có xu hướng hoạt động bó vào trung lộ Thái Lan triển khai bóng ở 1/3 giữa sân.

Khi Thái Lan chơi với 4 tiền vệ ở giữa sân, HLV Polking vẫn tìm ra cách để phát huy sở trường của Theerathon. Với sự di chuyển ăn ý của Chanathip, Sarach hay Phitiwat, ĐT Thái Lan càng cho thấy ý đồ áp đảo quân số ở khu vực trung lộ rõ nét hơn. Sự có mặt của Theerathon ở phạm vi giữa sân không chỉ giúp Thái Lan kiểm soát bóng tốt, mà chính cầu thủ mang áo số 3 còn là người châm ngòi cho không ít tình huống tấn công trực diện của đội bóng này.

Tình huống kiến tạo cho Teerasil Dangda ghi bàn trong trận gặp Philippines.
Tình huống kiến tạo cho Teerasil Dangda ghi bàn trong trận gặp Philippines.

Sự khó lường trong cách chơi của Theerathon không chỉ dừng lại ở đó. Thường xuyên chơi bó vào trung lộ, hoặc chơi thấp khi bóng ở khu vực 1/3 giữa sân, nhưng sẵn sàng tăng tốc, bám biên khi bóng được đưa tới phạm vi 1/3 cuối sân. Bàn thắng của Teerasil Dangda trong trận đấu gặp Philippines là một điển hình. Nhận bóng từ Chanathip, hậu vệ trái của Thái Lan chồng biên rất cơ bản, rồi thực hiện đường chuyền chính xác cho tiền đạo mang áo số 10.

Những đường chuyền hướng đến vòng cấm địa đối phương mà Theerathon đã thực hiện minh hoạ rõ điều này. Một hậu vệ trái hoạt động gần khu vực trung lộ ở phạm vi 1/3 giữa sân, và sẵn sàng bám biên ở phạm vi 1/3 cuối sân.

Các đường chuyền vào khu vực cấm địa đối phương của Theerathon.
Các đường chuyền vào khu vực cấm địa đối phương của Theerathon.

Chất lượng của các tình huống chuyền bóng của Theerathon Bunmathan là không phải bàn cãi. Bên cạnh đó, tư duy xử lý tình huống, những nhịp nhứ, chờ, đập nhả 1-2 cũng cho thấy đẳng cấp rất cao của cựu cầu thủ Yokohama. Kiềm toả khả năng hoạt động của hậu vệ mang áo số 3 sẽ là một bài toán không hề đơn giản cho HLV Park Hang-seo và các học trò. Đặc biệt trong bối cảnh, HLV Mano Polking đã lên dây cót tinh thần cho các học trò trước trận đấu:

“Chúng tôi muốn kiểm soát bóng nhiều. Chúng tôi hiểu Việt Nam có khả năng phòng ngự tốt, nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục chơi tấn công. Cùng lúc đó, các cầu thủ cũng phải cẩn trọng ở các tình huống chuyển trạng thái. Đó là lối chơi phù hợp với những cầu thủ chúng tôi sở hữu.”

Điểm yếu của người Thái

Áp đặt, tấn công, kiểm soát thế trận chắc chắn là thứ người Thái hướng đến, với những quân bài chiến thuật như Theerathon. Nhưng cũng cần nhớ rằng, chính sự tự do trong cách chơi của hậu vệ trái này có thể là một con dao hai lưỡi với ông Polking.

Không ít các tình huống trong 2 trận đấu trước Myanmar và Philippines, khoảng trống sau lưng Theerathon Bunmathan đã bị khai thác. Đó sẽ là một điểm đáng lưu ý dành cho HLV Park Hang-seo, khi ĐT Việt Nam được trở lại với phong cách chơi phòng ngự – phản công sở trường. Tư duy chơi dâng cao và linh hoạt của Theerathon có thể giúp ích nhiều cho mặt trận tấn công, nhưng sẽ là một điểm hở lớn khi Thái Lan phải nhận các tình huống chuyển trạng thái nhanh của tuyển Việt Nam.

Cánh trái của Theerathon thường xuyên bị khai thác.
Cánh trái của Theerathon thường xuyên bị khai thác.

Việc gần như chỉ dựa vào 2 trung vệ trong việc chống phản công và phòng ngự các khoảng trống sau lưng ở cự ly 40-50m so với khung thành là một rủi ro lớn mà Thái Lan chấp nhận đánh đổi trong triết lý bóng đá của HLV Polking. Nhìn lại sự nghiệp dẫn dắt của chiến lược gia người Brazil, các CLB như Bangkok United hay mới nhất là Tp. Hồ Chí Minh luôn hướng đến thế trận tấn công đẹp mắt, nhưng thiếu đi sự an toàn ở khả năng phòng ngự.

Một cuộc đối đầu thú vị giữa Mano Polking và Park Hang-seo, nơi khả năng hoạt động và cách chơi của hạt nhân Theerathon Bunmathan có thể sẽ quyết định diễn biến của trận đấu.

View Comments (0)

Leave a Reply